Isaac Newton (phát âm như Isắc Niu-tơn) là một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học tự nhiên và nhà toán học vĩ đại người Anh. Theo lịch Julius, ông sinh ngày 25 tháng 12 năm 1642 và mất ngày 20 tháng 3 năm 1727; theo lịch Gregory, ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1643 và mất ngày 31 tháng 3 năm 1727. Luận thuyết của ông về Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Các Nguyên lý Toán học của Triết lý về Tự nhiên) xuất bản năm 1687, đã mô tả về vạn vật hấp dẫn và 3 định luật Newton, được coi là nền tảng của cơ học cổ điển, đã thống trị các quan niệm về vật lý, khoa học trong suốt 3 thế kỷ tiếp theo. ông cho rằng sự chuyển động của các vật thể trên mặt đất và các vật thể trong bầu trời bị chi phối bởi các định luật tự nhiên giống nhau.


Trong cơ học, Newton đưa ra nguyên lý bảo toàn động lượng (bảo toàn quán tính). Trong quang học, ông khám phá ra sự tán sắc ánh sáng, giải thích việc ánh sáng trắng qua lăng kính trở thành nhiều màu.
Trong toán học, Newton cùng với Gottfried Leibniz phát triển phép tính vi phân và tích phân. Ông cũng đưa ra nhị thức Newton tổng quát.
Năm 2005, trong một cuộc thăm dò ý kiến của Hội Hoàng gia về nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử khoa học, Newton vẫn là người được cho rằng có nhiều ảnh hưởng hơn Albert Einstein. 

Sự nghiệp
Isaac Newton sinh ra trong một gia đình nông dân. May mắn cho nhân loại, Newton không làm ruộng giỏi nên được đưa đến Đại học Cambridge để trở thành luật sư. Tại Cambridge, Newton bị ấn tượng mạnh từ Euclid, tuy rằng tư duy của ông cũng bị ảnh hưởng bởi trường phái của Roger Bacon và René Descartes. Một đợt dịch bệnh đã khiến trường Cambridge đóng cửa và trong thời gian ở nhà, Newton đã có những phát kiến khoa học quan trọng, dù chúng không được công bố ngay.
Những người có ảnh hưởng đến việc công bố các công trình của Newton là Robert Hooke và Edmond Halley. Sau một cuộc tranh luận về chủ đề quỹ đạo của một hạt khi bay từ vũ trụ vào Trái Đất với Hooke, Newton đã bị cuốn hút vào việc sử dụng định luật vạn vật hấp dẫn và cơ học của ông trong tính toán quỹ đạo Johannes Kepler. Những kết quả này hấp dẫn Halley và ông đã thuyết phục được Newton xuất bản chúng. Từ tháng 8 năm 1684 đến mùa xuân năm 1688, Newton hoàn thành tác phẩm, mà sau này trở thành một trong những công trình nền tảng quan trọng nhất cho vật lý của mọi thời đại, cuốn Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Các Nguyên lý Toán học của Triết lý về Tự nhiên).
Trong quyển I của tác phẩm này, Newton giới thiệu các định nghĩa và ba định luật của chuyển động thường được biết với tên gọi sau này là Định luật Newton. Quyển II trình bày các phương pháp luận khoa học mới của Newton thay thế cho triết lý Descartes. Quyển cuối cùng là các ứng dụng của lý thuyết động lực học của ông, trong đó có sự giải thích về thủy triều và lý thuyết về sự chuyển động của Mặt Trăng. Để kiểm chứng lý thuyết về vạn vật hấp dẫn của ông, Newton đã hỏi nhà thiên văn John Flamsteed kiểm tra xem Sao Thổ có chuyển động chậm lại mỗi lần đi gần Sao Mộc không. Flamsteed đã rất sửng sốt nhận ra hiệu ứng này có thật và đo đạc phù hợp với các tính toán của Newton. Các phương trình của Newton được củng cố thêm bằng kết quả quan sát về hình dạng bẹt của Trái Đất tại hai cực, thay vì lồi ra tại hai cực như đã tiên đoán bởi trường phái Descartes. Phương trình của Newton cũng miêu tả được gần đúng chuyển động Mặt Trăng, và tiên đoán chính xác thời điểm quay lại của sao chổi Halley. Trong các tính toán về hình dạng của một vật ít gây lực cản nhất khi nằm trong dòng chảy của chất lỏng hay chất khí, Newton cũng đã viết ra và giải được bài toán giải tích biến phân đầu tiên của thế giới.
Newton sáng tạo ra một phương pháp khoa học rất tổng quát. Ông trình bày phương pháp luận của ông thành bốn quy tắc của lý luận khoa học. Các quy tắc này được phát biểu trong quyển Philosophiae Naturalis Principia Mathematica như sau:
  1. Các hiện tượng tự nhiên phải được giải thích bằng một hệ tối giản các quy luật đúng, vừa đủ và chặt chẽ.
  2. Các hiện tượng tự nhiên giống nhau phải có cùng nguyên nhân như nhau.
  3. Các tính chất của vật chất là như nhau trong toàn vũ trụ.
  4. Một nhận định rút ra từ quan sát tự nhiên chỉ được coi là đúng cho đến khi có một thực nghiệm khác mâu thuẫn với nó.
Bốn quy tắc súc tích và tổng quát cho nghiên cứu khoa học này đã là một cuộc cách mạng về tư duy thực sự vào thời điểm bấy giờ. Thực hiện các quy tắc này, Newton đã hình thành được các định luật tổng quát của tự nhiên và giải thích được gần như tất cả các bài toán khoa học vào thời của ông. Newton còn đi xa hơn việc chỉ đưa ra các quy tắc cho lý luận, ông đã miêu tả cách áp dụng chúng trong việc giải quyết một bài toán cụ thể. Phương pháp giải tích mà ông sáng tạo vượt trội các phương pháp mang tính triết lý hơn là tính chính xác khoa học của Aristoteles và Thomas Aquinas. Newton đã hoàn thiện phương pháp thực nghiệm của Galileo Galilei, tạo ra phương pháp tổng hợp vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay trong khoa học. Những câu chữ sau đây trong quyển Opticks (Quang học) của ông có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với trình bày hiện đại của phương pháp nghiên cứu thời nay, nếu Newton dùng từ "khoa học" thay cho "triết lý về tự nhiên":

Cũng như trong toán học, trong triết lý về tự nhiên, việc nghiên cứu các vấn đề hóc búa cần thực hiện bằng phương pháp phân tích và tổng hợp. Nó bao gồm làm thí nghiệm, quan sát, đưa ra những kết luận tổng quát, từ đó suy diễn. Phương pháp này sẽ giúp ta đi từ các hợp chất phức tạp đến nguyên tố, đi từ chuyển động đến các lực tạo ra nó; và tổng quát là từ các hiện tượng đến nguyên nhân, từ nguyên nhân riêng lẻ đến nguyên nhân tổng quát, cho đến khi lý luận dừng lại ở mức tổng quát nhất. Tổng hợp lại các nguyên nhân chúng ta đã khám phá ra thành các nguyên lý, chúng ta có thể sử dụng chúng để giải thích các hiện tượng hệ quả.

Newton đã xây dựng lý thuyết cơ học và quang học cổ điển và sáng tạo ra giải tích nhiều năm trước Gottfried Leibniz. Tuy nhiên ông đã không công bố công trình về giải tích trước Leibniz. Điều này đã gây nên một cuộc tranh cãi giữa Anh và lục địa châu Âu suốt nhiều thập kỷ về việc ai đã sáng tạo ra giải tích trước. Newton đã phát hiện ra định lý nhị thức đúng cho các tích của phân số, nhưng ông đã để cho John Wallis công bố. Newton đã tìm ra một công thức cho vận tốc âm thanh, nhưng không phù hợp với kết quả thí nghiệm của ông. Lý do cho sự sai lệch này nằm ở sự giãn nở đoạn nhiệt, một khái niệm chưa được biết đến thời bấy giờ. Kết quả của Newton thấp hơn γ½ lần thực tế, với γ là tỷ lệ các nhiệt dung của không khí.
Theo quyển Opticks, mà Newton đã chần chừ trong việc xuất bản mãi cho đến khi Hooke mất, Newton đã quan sát thấy bị chia thành phổ nhiều màu sắc, khi đi qua lăng kính (thuỷ tinh của lăng kính có chiết suất thay đổi tùy màu). Quan điểm hạt về ánh sáng của Newton đã xuất phát từ các thí nghiệm mà ông đã làm với lăng kính ở Cambridge. Ông thấy các ảnh sau lăng kính có hình bầu dục chứ không tròn như lý thuyết ánh sáng thời bấy giờ tiên đoán. Ông cũng đã lần đầu tiên quan sát thấy các vòng giao thoa mà ngày nay gọi là vòng Newton, một bằng chứng của tính chất sóng của ánh sáng mà Newton đã không công nhận. Newton đã cho rằng ánh sáng đi nhanh hơn trong thuỷ tinh, một kết luận trái với lý thuyết sóng ánh sáng của Christiaan Huygens.
Newton cũng xây dựng một hệ thống hoá học trong mục 31 cuối quyển Opticks. Đây cũng là lý thuyết hạt, các "nguyên tố" được coi như các sự sắp xếp khác nhau của những nguyên tử nhỏ và cứng như các quả bi-a. Ông giải thích phản ứng hoá học dựa vào ái lực giữa các thành phần tham gia phản ứng. Cuối đời (sau 1678) ông thực hiện rất nhiều các thí nghiệm hoá học vô cơ mà không ra kết quả gì.
Newton rất nhạy cảm với các phản bác đối với các lý thuyết của ông, thậm chí đến mức không xuất bản các công trình cho đến tận sau khi người hay phản bác ông nhất là Hooke mất. Quyển Philosophiae Naturalis Principia Mathematica phải chờ sự thuyết phục của Halley mới ra đời. Ông tỏ ra ngày càng lập dị vào cuối đời khi thực hiện các phản ứng hoá học và cùng lúc xác định ngày tháng cho các sự kiện trong Kinh Thánh. Sau khi Newton qua đời, người ta tìm thấy một lượng lớn thuỷ ngân trong cơ thể của ông, có thể bị nhiễm trong lúc làm thí nghiệm. Điều này hoàn toàn có thể giải thích sự lập dị của Newton.
Newton đã một mình đóng góp cho khoa học nhiều hơn bất cứ một nhân vật nào trong lịch sử của loài người. Ông đã vượt trên tất cả những bộ óc khoa học lớn của thế giới cổ đại, tạo nên một miêu tả cho vũ trụ không tự mâu thuẫn, đẹp và phù hợp với trực giác hơn mọi lý thuyết có trước. Newton đưa ra cụ thể các nguyên lý của phương pháp khoa học có thể ứng dụng tổng quát vào mọi lĩnh vực của khoa học. Đây là điều tương phản lớn so với các phương pháp riêng biệt cho mỗi lĩnh vực của Aristoteles và Aquinas trước đó.
Tuy các phương pháp của Newton rất lôgic, ông vẫn tin vào sự tồn tại của Chúa. Ông tin là sự đẹp đẽ hoàn hảo theo trật tự của tự nhiên phải là sản phẩm của một Đấng Tạo hoá siêu nhân. Ông cho rằng Chúa tồn tại mọi nơi và mọi lúc. Theo ông, Chúa sẽ thỉnh thoảng nhúng tay vào sự vận hồi của thế gian để giữ gìn trật tự.
Cũng có các nhà triết học trước như Galileo và John Philoponus sử dụng phương pháp thực nghiệm, nhưng Newton là người đầu tiên định nghĩa cụ thể và hệ thống cách sử dụng phương pháp này. Phương pháp của ông cân bằng giữa lý thuyết và thực nghiệm, giữa toán học và cơ học. Ông toán học hoá mọi khoa học về tự nhiên, đơn giản hoá chúng thành các bước chặt chẽ, tổng quát và hợp lý, tạo nên sự bắt đầu của Kỷ nguyên Suy luận. Những nguyên lý mà Newton đưa ra do đó vẫn giữ nguyên giá trị cho đến thời đại ngày nay. Sau khi ông ra đi, những phương pháp của ông đã mang lại những thành tựu khoa học lớn gấp bội những gì mà ông có thể tưởng tượng lúc sinh thời. Các thành quả này là nền tảng cho nền công nghệ mà chúng ta được hưởng ngày nay.
Không ngoa dụ chút nào khi nói rằng Newton là danh nhân quan trọng nhất đóng góp cho sự phát triển của khoa học hiện đại. Như nhà thơ Alexander Pope đã viết:
Nature and Nature's laws lay hid in night
God said, Let Newton be!
and all was light
Tự nhiên im lìm trong bóng tối
Chúa bảo rằng Newton ra đời!
Và ánh sáng bừng lên khắp lối

CÁC GIAI THOẠI VỀ NEWTON:

Chú bé luôn nghĩ ra những trò chơi kì lạ
Đêm đã khuya trời tối mịt mà bà con ở các trang trại vẫn chưa đi ngủ. Họ thì thào báo cho nhau một tin ghê sợ và lấm lét nhìn lên bầu trời "Quỷ tha ma bắt, cái gì thế kia ? Ma trơi, thần lửa hay là sao chổi ?" Cái vật tắng nhờ , hình thù quái dị, hắt ra một thứ ánh sáng đỏ như máu ấy cứ chao đảo, lồng lộn , vút lên, hạ xuống, trông thật khiếp đảm như muốn báo trước một tai ương hay một điều chẳng lành trong trang trại.
Duy chỉ có một chú bé không bị cuốn vào cảnh sự hãi ấy. Chú đứng trong sân nhà mình,dưới gốc cây táo, chốc chốc lại giật giật sợi dây cầm trong tay làm cho cái vật quái đảng kia càng hung hăng nhảy nhót, hăm dọa. Cuối cùng, chắc đã chán cái trò giải trí ấy chú liền từ từ cuốn dây lại.
Dân làng sững sờ, dán mắt nhìn lên bầu trời. Họ thấy cái vật quái đản có con ngươi đỏ như tiết kia ve vẩy đuôi, chao đi chao lại rồi lao thẳng xuống trang trại của họ, sa vào khu vườn nhà Niutơn.
Mọi người đổ xô tới thì chứng kiến cảnh Niutơn đang thu diều về và tắt chiếc đèn lồng bằng giấy bóng kính đỏ buộc lủng lẳng ở đuôi.
Các ông già bà cả chép miệng, lắc đầu, lầm rầm nguyền rủa mấy câu gì đó rồi tản ra về. Họ đoán tương lai thằng bé rồi chẳng ra gì!
Lại một lần khác, người ta thấy xuất hiện ở cạnh nhà Niutơn một cối xay gió nhỏ xíu. Giữa lúc ấy trời đang lặng gió, vậy mà cánh quạt của cối xay huyền bí đó vẫn cứ quay tít. Mấy người hàng xóm lại đi qua chỉ đưa mắt nhìn lấm lét với một cảm giác rờn rợn, rồi rảo cẳng bước mau mhư bị ma đuổi: họ ngờ rằng thằng bé tinh nghịch ấy có phép ma ?
Khi nhìn quanh không thấy ai, Niutơn mới lén mở cánh cửa cối xay và lôi ra một chú chuột để cho ăn. Thì ra khi chạy trong cối xay, chuột đã đánh quay một bánh xe, l;àm các cánh quạt chuyển động. Cậu gọi chú chuột này là anh thợ xay bột và thường kêu ca về tính hay ăn cắp vặt của anh ta, đã chén sạch cả lúa mì đổ vào xay trong cối.
Có đồng xu nào, Niutơn bỏ hết ra mua búa, kìm, cưa, đục và những thiết bị khác cần dùng trong việc chế tạo mô hình.
Có lần , đến nhà dược sĩ Clác, cậu xin được chiếc hộp xinh xắn. Về nhà, cậu đã cặm cụi đến quên ăn quên nhủ chế tạo ra một đồng hồ nước, chiều cao khoảng trên một mét, có kim chỉ giờ chuyển động được trên một mặt có nhiều hình vẽ. sáng nào Niutơn cũng đổ thêm nước vào đồng hồ và tất cả máy móc được đặt trong phòng ngủ của Niutơn, ở gác thượng, sát mái nhà.
Niutơn còn sáng chế ra chiếc xe phản lực chạy bằng hơi nước, đồng hồ mặt trời,...
Vốn tính trầm lặng âm thầm, lúc nào cũng đăm chiêu suy nghĩ, Niutơn ít thích chơi đùa đông bạn lắm bè. Giây phút hạnh phúc nhất của cậu là được ẩn mình ở một góc vườn đọc sách hoặc thr hồn mơ mộng theo một ý nghĩ xa xôi. Có thì giờ rỗi cậu lại đến phòng thí nghiệm của dược sĩ Clác hoặc mê mải sáng chế những đồ chơi khác lạ. Chính nhờ vậy, Niutơn đã rèn luyện được cho mình những thói quen thực nghiêm rất bổ ích cho công tác nghiên cứu khoa học sau này.
Thật chẳng ai ngờ, những trò chơi thời thơ ấu ấy lại là bước chuẩn bị cho cậu bé đẻ non, ốm yếu, mồ côi cha ngay từ trước lúc lọt lòng trở thành "nhà bác học vĩ đại trong các nhà bác học vĩ đại" - người mà sau khi chết, trên bức tượng tửong niệm ông, người ta khắc câu thơ của Luyerexơ:
"người đã vượt lên tất cả những thiên tài".

"Lúc nào cũng nghĩ tới nó"
Từ thời cổ đại người ta quan niệm có thế giới trên trời và thế giới dưới đất. Arixtoot quả quyết rằng, hai thế giới ấy mâu thuẫn nhau, rằng không một vật nào dưới đát lại trở thành vật thể ở trên trời.
Khái quát những kết qquả nghiên cứu của Côpecnic, Keplê, Galilê và của riêng mình, Niutơn đã tìm ra định luạt vạn vật hấp dẫn, linh hồn của học thuyết Niutơn về vũ trụ.
Theo định luật này thì các hành tinh đều bị mặt Trời hút và Mặt trời cũng bị các hành tinh hút. Trái đát hút Mặt Trăng cũng như nó hút bất kì vật nào trên mặt đất.
Dựa vào định luật vạn vật hấp dẫn, các nhà thiên văn đã nghiên cứu được chính xác chuyển động của các thiên thể và tính trước rất đúng các kì nhật thực và nguyệt thực.
Đánh giá cống hiến vĩ đại này của Niutơn, nhà toán học nổi tiếng người Pháp Lagiănggiơ viết: "Ông là con người hạnh phúc nhất, chỉ một lần mà đã xác lập đưopực cả một hệ thống thế giới".
Ngạc nhiên trước năng lực sáng tạo phi thường này, có lần bạn bè đã hỏi  Niutơ về bíquyết thành công . Ông trả lời không do dự: :"Lúc nào cũng nghĩ đến nó". Ngừng một lát, ông lại giải thích thêm: "Lúc nào tôi cũng chú ý tới đối tượng nghiên cứu và tôi kiên trì cho tới việc dần dần hiện rõ ra và trở nên hoàn toàn sáng tỏ".
Dựa vào những lời nói ấy của Niutơn, nhà sinh học vĩ đại Pháp Quyviê đã định nghĩa "thiên tài là sự chú ý miệt mài". Chính cũng do sự chú ý tập trung cao độ, vô cùng bền vững, rất khó di chuyển và hướng vào nội tâm mà nhiều lúc Niutơn "quên hết sự đời", chẳng còn đẻ ý gì đén ngững cáu xung quanh. Và đây cũng là căn nguyên của những giai thoại về tính đãng trí ngây ngô đến nực cười của ông.
Người ta kể rằng , có lần Niutơn mời khách, khi bữa ăn đã được dọn ra, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu óc, ông vội chạy vào phòng làm việc và cứ thế mải miết làm việc trong phòng. Biết tính, không muốn làm đứt luồng suy tư của bạn, ông khách ăn cơm một mình rồi lẳng lặng ra về. Mãi sau, khi bụng đã đói mềm, Niutơn mới ở phòng làm việc bước ra. Ngồi vào bàn, nhìn thấy các món ăn đã ăn dở, như sực tỉnh, vỗ bàn và đứng dậy gật gù: "ờ ờ, té ra mình ăn rồi, suýt nữa thì lầm !". Và, ông lại quay lại phòng làm việc, tiếp tục miệt mài cho tới khuya.
Có những lúc phải đi đây đó, đáng lẽ phải dắt ngựa leo lên quả đồi phía trước nhà, nhưng vì quả mải mê theo đuổi ý nghĩ của mình, Niutơn cứ thế dắt ngựa ngược về phía sau nhà đến năm dặm. Nhiều khi dắt ngựa đi, ngựa đã tuột khỏi dây cương phi thẳng về nhà từ bao giờ, còn Niutơn cứ nắm chắc dây cương và tiếp tục đi không hề hay biết con ngựa quí của mình biến mất đâu rồi !
Chính tinh thần làm việc khẩn trương ghê ghớm và sự tập trung tinh lực cao độ như thế đã cho phép ông hoàn thành tác phẩm nhan đề "Những nguyên lí toán học của triết học tự nhiên". Trong tác phẩm này, Niutơn đã tổng kết tất cả những thành tựu mà nhân loại đã đạt được suốt hai nghìn năm sau khi Arixtoot qua đời. Tất cả những cái quí giá nhất mà các nhà bác học đã làm được trong thời gfian đó đèu tìm được chỗ của mình trong "Những nguyên lí" của Niutơn. Ông lọc bỏ những điều sai lầm, kiểm tra lại những cái đúng đắn, làm nốt những việc còn bỏ dở và hoàn chỉnh công trình lao đông  hàng nghìn năm của biết bao con người trong một cuốn sách.
Sự xuất hiện của cuốn sách này đã mở ra một kỉ nguyên mới trong sự phát triển của khoa học. Và chính nó đã làm cho Niutơn trở thành Niutơn.

Đứng trên vai những người khổng lồ.
Năm 1679, Niutơn đã bắt đầu viết cuốn "Những nguyên lí toán học của triết học tự nhiên", và 7 năm sau, vào năm 1686, ông hoàn thành tác phẩm.
Toàn bộ cuốn sách được viết bằng tiếng La tinh, phương tiện giao tiếp thông thường của giới khoa học thời bấy giờ. Cuốn sách gồm ba tập: tập một nói về chuyển động của các vật trong môi trường không có sức cản, tập hai nói về chuyển động trong môi trường có sức cản, tập ba nói tới việc áp dụng các kết quả của hai tập trên vào việc giải thích Hệ Mặt Trời. Cách trình bày của niutơn về các nguyên lí của động lực học trong tập một đã trở thành nền móng cho những sách giáo khoa về vấn đề này cho tới tận ngày nay.
Với ba định luật chuyển động và định luật vạn vật hấp dẫn nổi tiếng, Niutơn đã xây dựng môn cơ học mà ngày nay quen gọi là "Cơ học cổ điển".
Chỉ có điều trong nguyên bản, Niutơn đã phát biểu các định luật đó như sau:
Đinh luật 1: Bất kì vật nào cũng giữ nguyên trạng thái đứng yên hay chuyển động thẳng đều chừng nào nó còn chưa bị các lựctác dụng bắt buộc phải thay đổi trang thái đó.
Định luật 2:: Sự biến đổi độmg lượng tỉ lệ với lực tác dụng và xảy ra theo chiều của đường thẳng mà lực tác dụng.
Định luật 3: Tác dụng bao giờ cũng kèm theo phản tác dụng bằng nó và nguwcj chiều với nó, nói cách khác, tương yác giữa hai vật với nhau thì bằng nhau và ngược chiều nhau.
Đựợc trang bị bằng những tri thức của các định luật cơ bản của cơ học và một công cụ toán học mới, Niutơn với một lòng dũng cảm thiên tài, đã bắt tay vào giải quyết một vấn đè lớn lao là xây dựng lí thuyết về Hệ Mặt trời. Ông đã căn cứ vào chuyển động quan sát được của các hành tinh mà xác lập được định luật của lực ràng buộc các hành tinh và mặt Trời, và trên cơ sở của định luật này đã xây dựng được lí thuyết chuyển động của các thiên thể.
Linh hồn của học thuyết Niutơn là định luật vạn vật hấp dẫn.
Với thiên tài xuất chúng Niu tơn đã chứng minh rằng với định luật chuyển động là duy nhất và như nhau đối với Trái Đất cũng như đối với các thiên thể. Mặt Trăng xuay quanh Trái Đất, các hành tinh chạy quanh Mặt Trời, những ngôi sao chổi phiêu diêu trong không gian và mọ tinh tú cũng đều tuân theo các định luật có hiệu lực y hệt cả với quả táo rơi trên cành cây xuống, cả với đám bụi bị gió lốc cuốn đi trên đường, cũng như với hòn đá do bàn tay con người ném ra hoặc viên đạn vút khỏi nòng súng...
Bức tranh vũ trụ do Niutơn sáng lập rõ ràng đánh tan uy lực của Chúa trời. Ở đây, chính là những quy luật trần tục, do con người phát hiện chứ không phải bàn tay của chúa đang điều khiển thế giới.
Từ sự kiện riêng lẻ - sự rơi của quả táo - Niutơn đã đi tới một khái quát rộng lớn về lực hấp dẫn "phổ biến trong khắp vũ trụ". Dĩ nhiên, ý nghĩ của ông đã được chuẩn bị đầy đủ để đi đến sự khai squát cao này rồi. Ông đã biết hệ thông Côpecnic, những phát kiến của Galilê, những định luật về chuyển đông của các hành tinh của Keple và đã suy nghĩ lâu dài về nguyên nhân buộc các hành tinh phải chuyển động theo các định luật đó.
Với bản tính vô cùng khiêm tốn và quý trọng công lao của các bậc tiền bối, khi có người hỏi về những đóng góp của mình cho khoa học, Niutơn đã trả lời: "Vì tôi được đứng trên vai những người khổng lồ, nên tôi nhìn dõi được xa hơn !"

Nguồn: wiki

0 Ý kiến:

Post a Comment

Hãy chia sẻ những nhận xét, góp ý của bạn với Blog kỹ năng bằng cách nhập vào khung dưới đây nhé!

- Bạn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu bạn nhé! :-)

 
Top