Trong cơn bão khủng hoảng, vẫn có nhiều doanh nhân 8x "vượt lên chính mình" bằng cách tạo ra những sản phẩm riêng, lèo lái doanh nghiệp của mình không chỉ tự tin, vững vàng mà còn dong buồm ra thế giới.
Điều này diễn ra trong thời điểm khó khăn, khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu; tuy chưa có thống kê chính thức số doanh nghiệp phá sản của VN nhưng chắc chắn con số “tiêu tùng” không ít...


Đi lên từ “Tư duy mới”
Khi những cơ hội của việc VN gia nhập WTO chưa thực sự mở ra với nhiều doanh nghiệp trong nước thì khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế trong nước. Không ít tham vọng và những kế hoạch phát triển đao to búa lớn, đặc biệt là của những doanh nhân trẻ đầy nhiệt huyết, bị dội một gáo nước lạnh và nặng nề.
Những “cú sóc nảy” mạnh khiến doanh ngiệp trong nước không thể không “đo” lại tình hình "sức khỏe" của mình, tìm kiếm những “chìa khóa” phát triển mới để vượt sóng gió hoặc vững vàng phát triển trên nền tảng đã tạo dựng.
Hà Huy Thanh, sinh năm 1982, lập Trung tâm bảo dưỡng máy tính EM khi đang là sinh viên khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), là trưởng nhóm Tư duy mới (New Thinking Group, với thành viên là sinh viên của nhiều trường ĐH).
Chuẩn bị kỹ càng về tri thức, kinh nghiệm và vốn; trong một thời gian ngắn, Thanh nhanh chóng nắm bắt cơ hội thị trường, tiến hành “tách” Trung tâm EM hoạt động độc lập để có thể phát triển thêm hai công ty mới: V-Link (về truyền thông phát triển cộng đồng và đầu tư sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu của các dự án cộng động) và CIO (tư vấn giải pháp sáng tạo online).
Sản phẩm ban đầu của CIO là các giải pháp trực tuyến về sức khỏe trên hệ thống trang tin điện tử sống khỏe, trong đó có cổng thông tin về đái tháo đường và dinh dưỡng, nằm trong chương trình hành động quốc gia cho người bị đái tháo đường.
Còn V-Link, bên cạnh các chương trình truyền thông vì cộng đồng đã tạo được tiếng vang nhất định thì một dự án sản xuất lớn đang được xúc tiến thực hiện là xây dựng nhà máy sản xuất nước Alkaline tại Việt Nam (đã ký kết với đối tác là tập đoàn King"s Group của Đài Loan, công nghệ nhập từ Nhật Bản) từ cuối năm 2008.

Hà Huy Thanh với chủ tịch Tập Đoàn King"s Group- Đài Loan trong chuyến khảo sát mô hình nhà máy sản xuất nước ion Alkaline
Tất cả những hoạt động kể trên của Hà Huy Thanh đều diễn ra đúng thời kỳ nền kinh tế trong nước và thế giới sa sút mạnh. Anh chàng Tổng giám đốc trẻ tuổi khẳng định điều ấy không tác động nhiều hay ảnh hưởng xấu tới mình. "Tôi có cách để có thể vượt lên cho dù khó khăn là tình trạng chung, đáng lo ngại với nhiều doanh nghiệp trẻ, nhưng trong cái "nguy" luôn có thể nhìn thấy cái "cơ".
“Nếu tôi chắc chắn được mình có thể đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào, tạo ra sản phẩm ra sao, với giá trị gia tăng mang lại là gì thì không lẽ gì khủng hoảng kinh tế khiến tôi phải rút lui, dừng lại hay chờ đợi”, Thanh nói.
Là một trong những người khởi xướng đưa cách tư tưởng và cách tư duy của Tony Buzan – người lập lên “sơ đồ tư duy” (mind map) - vào VN, nên cũng dễ hiểu khi Thanh có cách trình bày vấn đề khúc triết, rành mạch. Khả năng giao tiếp của anh có thể khiến người khác bị… cuốn theo, nhưng không có nghĩa là người ta không thấy sự nhiệt huyết, chân tình và khát vọng chàng trai từng trượt đại học rồi sau trở thành “thủ lĩnh” sinh viên trong trường đại học.
“Nếu tôi kinh doanh chỉ để nghĩ cho bản thân mình thì đơn giản quá. Mục tiêu có thể cống hiến của tôi càng lớn thì càng tạo thêm nhiều động lực cho tôi phát triển sự nghiệp của mình. VN cần ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân có sức sáng tạo mạnh mẽ, để tạo ra các giải pháp "win-win"; điều đó sẽ góp phần cho nền kinh tế phát triển lành mạnh, đúng với quy luật thị trường hơn”, Thanh tâm sự và tiết lộ dự án sản xuất nước ion tốt cho sức khỏe đầu tiên ở VN sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy vào tháng 6, đưa nước ra thị trường vào tháng cuối năm 2009 và hợp tác với Tổng hội Y học VN để có thể tiêu thụ được 80.000.000lít/năm.

Vượt trên khủng hoảng bằng… Robot!
Cũng khai phá một mảnh đất hoàn toàn mới đối với nền sản xuất VN – chế tạo robot, đó là con đường mà Hồ Vĩnh Hoàng, Giám đốc Công ty Robot TOSY lựa chọn.
Robot TOPIO ra mắt quan khách
 
“Cú sốc” đầu tiên mà Hồ Vĩnh Hoàng, nguyên đội trưởng của đội BKCT trường ĐH Bách khoa Hà Nội tại cuộc thi Robocon năm 2003, tạo ra với dư luận là công bố về Robot dáng người biết chơi bóng bàn có tên TOPIO và đem tới Triển lãm diễn ra từ 5/2 đến 10/2/2009 tại Nuremburg (Đức).
TOPIO 2.0 đánh bóng bàn đã gây nhiều ngạc nhiên với chính người Đức khi được đem ra giới thiệu bên cạnh những sản xuất đồ chơi công nghệ cao và robot khác như TypeROBO mang hình lốp xe, BallROBO mang hình quả bóng. Người tham quan tỏ ra rất ngạc nhiên, sửng sốt khi biết TOSY là công ty Việt Nam và các dòng sản phẩm công nghệ cao đó đều sản xuất trên dây chuyền công nghệ 100% của Việt Nam.
Hoàng nói, dự kiến tại IREX - triển lãm lớn nhất thế giới về robot tại Tokyo, Nhật Bản vào năm 2009, TOPIO 2.0 (được nghiên cứu từ năm 2005) sẽ hoàn thiện.
Theo đó, chú robot này cao 2.10m, nặng 60kg, có đầy đủ đầu, 2 chân, 2 tay, có 40 bậc tự to (được so sánh với robot ASIMO của Honda có 34 bậc tự do), có thể vừa đi lại vừa chơi bóng bàn với người.

Cách đây 10 năm Hồ Vĩnh Hoàng đã có ý tưởng chế tạo một con robot điều khiển từ xa có thể lăn, tiến, lùi, sang trái, sang phải, đi được nhiều địa hình. Năm 2003, sau khi trở về từ cuộc thi về tự động hóa, chế tạo robot được biết đến rộng rãi Robocon, Hoàng quyết định mở công ty sản xuất robot và đồ chơi công nghệ cao ngay khi còn là sinh viên với các sản phẩm ban đầu là đĩa bay, boomerang...

Giám đốc Hồ Vĩnh Hoàng (đeo kính, bên phải) giới thiệu đồ chơi công nghệ cao với khách tham quan tại Triển lãn ở Đức vào đầu tháng 2/2009
 
Đã từng đưa những sản phẩm của mình sang Nhật, Đức…, đến nay Hoàng đã thực sự tự tin với sản phẩm của mình đặc cạnh sản phẩm của các nước khác. Trong công việc, chàng giám đốc trẻ, hiền lành, thư sinh này cũng thấy thực sự thoải mái, tự tin vì một lẽ: bên cạnh anh là những chuyên gia lập trình, những “nhân tài” trẻ được quy tụ từ các cuộc thi Robocon, từ thời sinh viên "mộ tài nhau" và cùng chung chí hướng.
Trong chuyến đi Đức vừa qua, công ty TOSY của Hoàng “bội thu” đơn đặt hàng. Các dòng đồ chơi công nghệ cao hoàn toàn made in Vietnam trên đã nhận được các lời đề nghị làm đại lý độc quyền tại Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp, Dubai, Tây Ban Nha, Nhật Bản.
Trong số này, có 3 hãng đồ chơi lớn nhất của Nhật Bản là Takara Tomy, Bandai, Doyusha đều đưa ra lời hợp tác làm phân phối độc quyền cho TOSY. 20 công ty đã đề nghị ký ngay hợp đồng nhập khẩu cho cả 4 dòng đồ chơi của Công ty TOSY với số lượng tối thiểu mỗi container khoảng 10.000 sản phẩm.
“Tất cả các công ty này đều muốn nhập khẩu hàng với tiến độ sớm nhất trong vòng 1-2 tháng. Tổng nhu cầu nhập khẩu quá lớn này đòi hỏi đáp ứng trong một thời gian ngắn nên đã vượt xa so với công suất dây chuyền sản xuất hiện nay của TOSY”, Hồ Vĩnh Hoàng gửi thông tin về từ Đức.
Khác với Hà Huy Thanh, có lẽ nhờ “sơ đồ tư duy” khá rõ ràng, anh vẫn có những khoảng thời gian thảnh thơi để đi chùa, đi bơi, gặp gỡ người yêu…, còn Hồ Vĩnh Hoàng, thời gian của anh gần như kín đặc với đam mê… robot. Hơn lúc nào hết Hoàng hiểu rằng, chỉ có cách để không tụt lại đằng sau là không ngừng “nâng cấp” bản thân, công ty chung và tiến bước.

Tăng sức bền, chờ thời “hậu khủng hoảng”

Nguyễn Tuấn Việt và hợp đồng ký kết với đối tác Singapore (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Hà Huy Thanh hay Hồ Vĩnh Hoàng đều còn rất trẻ và họ có quyền tin tưởng vào một tương lai với những sự đổi thay mới, tốt đẹp hơn. Họ chỉ là một vài đại diện trong số rất nhiều doanh nhân trẻ hiện nay đang khao khát khẳng định mình và cống hiến cho xã hội.
Có thể Thanh và Hoàng may mắn trong thời khủng hoảng này, có thể còn rất nhiều khó khăn trước mắt mà họ còn chưa ngờ tới, nhưng chắc chắn rằng họ thuộc lớp doanh nhân trẻ có trách nhiệm giữ vững được “sân nhà” để rồi vươn ra cạnh tranh với bên ngoài bằng sức trẻ, kỹ năng, nền tảng tri thức tiến bộ và sự tiếp sức từ các thế hệ đi trước.
Như trao đổi với người viết bài, Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc sinh năm 1983 của Công ty VIETgo, chuyên hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, khẳng định: “Khó khăn kinh tế rõ ràng vẫn là thách thức lớn nhưng đó cũng là cơ hội không nhỏ cho việc mở rộng, tìm kiếm thị trường mới cho hơn một trăm doanh nghiệp xuất khẩu trong nước mà chúng tôi đang có.
Nếu trước đây VIETgo tập trung vào các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… thì nay chúng tôi có muốn ì cũng không được, phải tìm đến những thị trường mới như Trung Đông, Nam Phi, châu Mỹ La Tinh, Nga… Phương tiện hoạt động quan trọng của chúng tôi là kênh trực tuyến – công cụ hữu hiệu mà chúng ta chưa phải đã khai thác thực sự hiệu quả.
Nếu bạn giữ được nhịp độ phát triển, tranh thủ tái cấu trúc nguồn lực cũng như mô hình hoạt động, đặt mục tiêu giữ được người thay vì lãi nhiều như trước và đứng trong hàng ngũ của những lĩnh vực kinh doanh mới, chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh thì hoàn toàn có thể “né” được những “cú sốc” từ khủng hoảng, có khi còn tạo nên những... bất ngờ, thay vì phải “giãy giụa” với nó”.

2 Ý kiến:

  1. Càng ngày càng thấy blog của Bảy hay và có nhiều thông tin hữu ích rùi đó ^_^

    ReplyDelete

Hãy chia sẻ những nhận xét, góp ý của bạn với Blog kỹ năng bằng cách nhập vào khung dưới đây nhé!

- Bạn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu bạn nhé! :-)

 
Top